Nghĩ lễ Obon ở Nhật có gì đặc biệt?
Hàng năm ở Nhật diễn ra hàng trăm ngàn lễ hội lớn nhỏ. Mỗi lễ hội gắn liền với một ý nghĩa đặc biệt đối với người Nhật. Dù là lớn hay nhỏ đều được người Nhật chuẩn bị công phu và trình diễn một cách độc đáo. Nếu như bạn có dịp ghé thăm Nhật Bản vào mùa hè thì đúng là được dịp bắt ngay mùa lễ hội pháo hoa rực rỡ trên toàn quốc mà còn được trải nghiệm bầu không khí huyền bí của một trong ba kì nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật, đó là tuần lễ Obon (Obon Masturi). Cùng AD và trung tâm Nhật ngữ Vic Vina tìm hiểu nhé.
Obon là gì?
Obon ( hay Bon) được xem như là lễ vu lan của Nhật, vì mang ý nghĩa Phật giáo tương tự như lễ Vu lan ở Việt Nam (lễ xá tội Vong Nhân) đều là để tri ân, tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Vào những ngày này, những người con ở xa về thăm cha mẹ ông bà, để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đi viếng mộ những người thân. Vì vậy lễ Obon cũng là dịp gia đình đoàn tụ quay quần bên nhau trong một kỳ nghỉ lễ dài.
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Obon ?
Lễ hội Obon xuất hiện tại Nhật từ hơn 500 năm trước. Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về một đệ tử nhà Phật có tên Mokuren (Mục Kiền Liên). Theo truyền thuyết, ông là người đã tu luyện nhiều năm và có nhiều pháp thuật. Vì quá tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình, ông sử dụng pháp lực để tìm lại mẹ khắp nơi. Khi thấy mẹ mình bị đày xuống địa ngục và chịu nhiều đau khổ do nghiệp ác và những điều ít kỉ mà bà tạo nên khi còn sống, Mokuren tìm đến Đức Phật để hỏi cách giải thoát cho bà. Đức Phật nói rằng Mokuren phải mang đồ lễ cúng các nhà tu vào ngày 15 tháng 7. Ông thực hiện theo giúp đỡ của Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đó. Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Mokuren vì quá vui mừng nên đã nhảy múa .Từ đó, sự tích này trở thành một tục lệ. Người dân hàng năm tổ chức Obon để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên, còn điệu múa trong lễ hội được gọi là Bon Odori. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để đoàn tụ gia đình và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
Trình tự diễn ra lễ Obon
Lễ hội Bon kéo dài trong ba đến bốn ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu lại có sự khác biệt giữa các vùng miền của Nhật Bản do cách hiểu về tục lệ và quan niệm linh hồn người thân trở về vào thời điểm khác nhau giữa các vùng:
Shichigatsu Bon (Bon tháng bảy), tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.
Kyu Bon (Bon cũ) tổ chức ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.
Hatchigatsu Bon (Bon tháng tám) thì được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.
Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân thường chuẩn bị rất nhiều thứ để tổ tiên về với con cháu an toàn và sau đó là an tâm trở về thế giới bên kia.
NGÀY 12/8 “CHUẨN BỊ ĐÓN TỔ TIÊN”
Vào trước ngày bắt đầu Obon, người ta thường trang trí dưa chuột và cà tím cắm bằng que tăm hoặc đũa được gọi là “Ngựa linh thiêng”. Dưa chuột là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.
NGÀY 13/8 “MUKAEBI (LỬA ĐÓN)”
Vào ngày 13 là ngày bắt đầu Obon, người ta sẽ đốt lửa sử dụng thân cành cây gai “Ogara” được bẻ nhỏ ra.
Người ta cho rằng, linh hồn người đã khuất sẽ cưỡi đám khói từ ngọn lửa này để quay trở về trần gian. Nhờ đám khói này mà linh hồn người đã khuất sẽ không bị lạc đường và có thể quay về nhà mình an toàn, vì vậy đám khói này còn có vai trò như là vật chỉ đường “Michishirube”.
NGÀY 14, 15/8 “VIẾNG MỘ”
Vào thời gian này rất nhiều người trong các gia đình thường đi viếng mộ. Họ thường dọn dẹp các mộ phần cho sạch sẽ, dâng hoa, thắp hương, dâng nước để thờ cúng tổ tiên. Sau đó những người thân thuộc, họ hàng trong gia đình lại tập trung lại và cùng nhau ăn uống. Đây là khoảng thời gian quan trọng để tưởng nhớ đến những người đã khuất.
NGÀY 16/8 “OKURIBI” (LỬA ĐƯA)
Ngày cuối cùng của lễ Obon. Ngày này là ngày lại tạm biệt tổ tiên. Cũng giống như phong tục đốt lửa đón tổ tiên vào ngày đầu tiên, ngày cuối cùng họ cũng lại đốt lửa để tổ tiên có thể quay về thế giới bên kia nhờ đám khói từ ngọn lửa đó.
Ở Kyoto, vào dịp này hàng năm còn tổ chức lễ hội “Gozan Okuribi” rất nổi tiếng với hình ảnh chữ Đại và chiếc cổng Torii bằng lửa đốt trên núi. Hình ảnh ngọn lửa trên bầu trời đêm mùa hè là đặc trưng mùa hè ở Kyoto.
Lễ dâng lửa Obon được tổ chức vào 20 giờ ngày 16 tháng 8, lúc này hàng ngàn người sẽ đổ về Kyoto để xem những ngọn lửa được thắp sáng. Và sau khi đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của Lễ hội Bon sẽ được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Các điệu múa này là Daimoku và Sashi, thường được bắt đầu từ 21h và kết thúc sau khoảng 1 giờ đồng hồ.
Một số khu vực khác thì có lễ hội truyền thống “thả đèn lồng”. Đây là 1 trong những loại Okuribi, họ thường thả hoa, đồ thờ cúng trôi theo dòng sông, biển… để tiễn đưa linh hồn của người đã khuất. Thời khắc lại một lần nữa tạm biệt tổ tiên tuy mang ý nghĩa rất buồn, nhưng các bạn có thể thấy quang cảnh thả đèn lồng và đốt lửa rất đẹp và huyền ảo.
Lễ hội Obon là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản được gìn giữ tới ngày hôm nay. Nó mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho dân tộc của quốc gia Phù Tang và đồng thời có một ý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp. Cũng với lễ hội này, chúng ta có thể liên tưởng tới lễ báo hiếu Vu Lan ở Việt Nam diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đó là ngày báo hiếu cha mẹ – ngày xá tội vong nhân hướng con người chúng ta luôn sống chân – thiện – mỹ.
Trung tâm đào tạo: Số 7 LK1 Khu đô thị Lideco, Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội
Hotline: 097 199 8887
Email: vic.education.vn@gmail.com
Zalo: Vic Vina Ducation
SĐT: 097 199 8887
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100082056053801
Tiktok: https://www.tiktok.com/@du_hoc_nhat_ban_vicvina_?_t=8eczcVbUGDR&_r=1
#vicvina, #duhocnhatbanvicvina
#obon
.